Home / Tư vấn - Chia sẻ / Để bố mẹ có thể hiểu và tin tưởng mình

Để bố mẹ có thể hiểu và tin tưởng mình

Từ khi em còn nhỏ, bố mẹ rất hay can thiệp vào không gian riêng tư của em. Cho đến bây giờ bố mẹ vẫn hay vào máy tính, điện thoại và các tài khoản mạng xã hội của em để đọc các chuyện riêng tư. Em đã cố gắng thuyết phục bố mẹ không can thiệp quá nhiều vào đời sống riêng tư của em, cũng như cài đặt mật khẩu cho điện thoại, máy tính. Những vô tình lại càng kiến bố mẹ em thêm nghi ngờ em đang lén lút làm gì đó. Vậy bây giờ em phải làm sao để bố mẹ có thể hiểu và tin vào em? Mong được cô tư vấn ạ.

Dương Hà My (Lớp 9C, THCS Tam Dương, Tam Dương, Vĩnh Phúc)

——————————-

Hà My thân mến,

Cô rất chia sẻ nỗi băn khoăn của em. Ở tuổi em, việc muốn có một không gian riêng tư của mình là điều hợp lý, không có gì sai cả. Đôi khi, chúng ta cũng cần giữ những “bí mật” dù chỉ đơn giản là mẩu tâm sự, một bài thơ, một vài thứ lặt vặt giữ cho riêng mình…

Câu chuyện của em ở đây là vấn đề lòng tin và sự lo lắng có vẻ như thái quá bố mẹ dành cho em.

Bố mẹ lo cho con thật sự không giới hạn. Khi cô là mẹ rồi, cô càng hiểu điều đó. Thậm chí mẹ của cô bây giờ vẫn cứ tiếp tục lo cho cô, muốn biết mọi “động thái” của cô trong đời sống sinh hoạt và nghề nghiệp để đưa ra lời khuyên, để lo trước cho cô. Đấy, cho nên em hãy hiểu, thông cảm cho những người làm cha mẹ. Đặc biệt, khi con mình ở tuổi mới lớn, bố mẹ muốn kiểm soát, hỗ trợ, muốn em không va vấp, không gặp nguy hiểm là điều rất nên hiểu. Cho dù mình khó chịu đến mấy mình cũng phải tự nhủ: tất cả là vì bố mẹ yêu mình!

Chúng ta sẽ thử cùng đưa ra phương án giải quyết trường hợp của em – nhưng cũng là nỗi niềm chung của nhiều bạn trẻ! Làm sao để cân đối tình yêu, sự lo lắng và lòng tin giữa bố mẹ và con cái?

Ta đặt mình vào vị trí bố mẹ để xem họ lo lắng điều gì nhé!

Bố mẹ sợ con có vấn đề gì đó trong việc học mà không dám nói ra với bố mẹ, chỉ tâm sự với bạn bè;

Bố mẹ lo con đã lớn, có thể thích thích bạn trai nào đó và nhỡ bạn ấy làm điều gì tổn thương đến con mình thì sao?!;

Bố mẹ lo con bị người xấu bên ngoài tiếp cận qua mạng, rủ rê làm những điều không tốt;

Bố mẹ lo con truy cập vào những trang thông tin lệch chuẩn, không có lợi cho tâm sinh lý của con;

Bố mẹ lo lắng về cách ứng xử, nói năng của con, liệu có vấn đề gì cần uốn nắn không;

Đơn giản là bố mẹ cứ lo lo vì đối với bố mẹ, con là điều tốt đẹp mà mong manh nhất trên đời bố mẹ có nghĩa vụ phải bảo vệ để con được vào đời trọn vẹn, hạnh phúc…

Em có thể nghĩ thêm để bổ sung danh sách “nỗi lo” trên nhé vì mỗi đứa trẻ lại khiến bố mẹ lo lắng một cách riêng, không ai giống ai. Cô chỉ đưa ra những điểm chung thường gặp thôi. Khi ta hiểu nỗi lòng bố mẹ rồi, ta mới thấy cần trấn an bố mẹ và mới biết nên làm gì để bố mẹ tin mình!

Trấn an bố mẹ bằng việc “cung cấp thông tin”

Bố mẹ thiếu thông tin nên mới đi tìm thông tin bằng cách xem điện thoại, ngó vào chat, can thiệp không gian riêng tư của em. Vậy mình hãy cung cấp thông tin về mình cho bố mẹ thường xuyên hơn. Chẳng hạn, nên tham gia nấu cơm tối cùng mẹ để tranh thủ kể chuyện trên lớp, thầy cô, bạn bè. Những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt như “Hôm nay cô Địa lý bất ngờ bắt cả lớp kiểm tra mười lăm phút, lớp con “rụng” quá nửa!” hoặc “Lớp con cãi nhau về vụ đi chơi cuối học kỳ, năm người mười ý!”… cũng sẽ giúp bố mẹ hình dung được con làm gì ở trường, yêu quý ai, chơi với bạn nào, quan điểm về một số vấn đề thế nào…

Em hãy xem lại xem mình thường có thái độ thế nào trong giao tiếp với bố mẹ: vui vẻ hay hỏi hay kể, lầm lì không nói, cau có khó chịu hay không khó chịu nhưng không chia sẻ gì… Nếu cần điều chỉnh để bố mẹ đỡ lo hơn, em hãy điều chỉnh đôi chút nhé!

Đôi khi, em hãy cho bố mẹ được tham gia vào các vấn đề của mình bằng cách hỏi ý kiến, đề nghị giúp… Ví dụ, đề nghị mẹ hỗ trợ việc tổ chức hội chợ từ thiện của lớp; hỏi bố về cách xử lý hiểu lầm với một bạn trai trong lớp; nhờ bố mẹ cho mượn phục trang diễn kịch… Được con tin tưởng nhờ vả, hỏi ý kiến – bố mẹ sẽ hạnh phúc lắm. Lòng tin cũng phải xây dựng từ hai phía. Em bày tỏ lòng tin với bố mẹ thì bố mẹ có cơ sở để tin em nhiều hơn!

Thảo luận và thoả thuận

Đây là việc khó nhưng cần làm! Em có thể nói chuyện với bố hoặc mẹ (một trong hai người) về cảm xúc của mình khi bố mẹ cứ đọc nhật ký, xem điện thoại… của em. Hãy cùng bố mẹ đưa ra một cam kết từ hai phía:

Bố mẹ tôn trọng góc học tập, phòng riêng của con, không soạn, dọn dẹp, mở tủ, thay đổi “nội dung” không gian của con. Ngược lại, con sẽ không khoá trái cửa phòng, sẽ treo tờ giấy bên ngoài “ám hiệu” khi nào con đang bận, khi nào bố mẹ có thể vào. Không nên và không được “cấm” bố mẹ hoàn toàn bước vào không gian của em vì em vẫn trong độ tuổi cần bố mẹ bảo hộ.

Điện thoại, máy tính – bố mẹ không tự tiện vào xem nhưng phải thống nhất thời gian dùng điện thoại, máy tính. Thống nhất: từ mấy giờ trở đi con sẽ để điện thoại ra bên ngoài để bố mẹ yên tâm rằng không phải lúc nào con cũng “ôm lấy” cái điện thoại. Ngay cả việc dùng máy tính cũng vậy. Về nguyên tắc, khi em dùng máy tính, em có thể để hé cửa hoặc dùng máy tính ở phòng sinh hoạt chung. Với tuổi các em, điều này giúp các em hạn chế việc sử dụng máy tính tràn lan, mất kiểm soát. Còn ngược lại, bố mẹ sẽ không quá lo lắng, không đặt câu hỏi: có gì quá bí mật đến mức con khoá trái cửa hay lục xục cả đêm chat chit nhỉ?!

Nếu em thực hiện được những việc khiến bố mẹ hiểu “em không giấu giếm gì cả, em đàng hoàng” thì việc em đề nghị bố mẹ “không đọc nhật ký, không vào tài khoản mạng xã hội của em, không sờ vào điện thoại của em” – cô tin bố mẹ sẽ tôn trọng và đồng tình.

Em và bố mẹ rất nên thảo luận về những nguy hiểm tiềm ẩn khi mình tham gia mạng xã hội. Mình cần kiểm soát được ứng xử của mình trên đó để tự bảo vệ mình. Em lắng nghe bố mẹ và chia sẻ càng nhiều thì lòng tin giữa bố mẹ và em càng vững chắc.

Hãy mời một vài người bạn thân của mình về nhà làm quen với bố mẹ. Bố mẹ sẽ an tâm hơn khi biết bạn bè của con, biết họ có thể hỏi ai về con khi lo lắng.

Năm nay em đã 14, 15 tuổi, em có thể nghĩ, mình đủ lớn để lường trước mọi điều trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Ngày cô 15 tuổi, cô cũng thấy thế. Tuy nhiên, về sau, cô hiểu rằng, cuộc đời có những tình huống mình chưa từng trải qua thì chưa biết được. Và mỗi khi có vấn đề, chỉ có bố mẹ, người thân là nơi mình có thể dựa vào cô điều kiện. Vì thế, em cũng hãy tin tưởng bố mẹ mình, hãy cố gắng trò chuyện với họ nhiều hơn, hỏi họ về kỷ niệm thơ ấu, về cả những vấn đề hiện nay họ đang gặp phải (Bố mẹ cũng nhiều mối lo và đôi khi cũng bối rối chứ em tưởng!!!) . Sự giao tiếp, tương tác sẽ giải toả mọi bức xúc, hiểu nhầm và sẽ khiến cho việc sống bên nhau mỗi ngày, lớn lên cùng nhau thật là hạnh phúc.

Chúc em thành công!

Cô Thuỵ Anh

About Chang Che It

Scroll To Top