Home / Thơ - truyện / Lá thư gửi chậm

Lá thư gửi chậm

Khi trời đã ấm lên và nắng hoe vàng trên cổng nhà thì Hoa nhận được một bức thư.

 Đà Lạt ngày… năm…

Chị Hoa ơi,

Chị còn nhớ ngày chị đến nhà em chơi, vui ghê chị ha! Mấy chị em mình ngồi dưới gốc cây hồng nhỏ và xem lũ kiến xếp hàng tha những cánh hoa a-ti-sô rơi trên đất. Chị bảo rằng những cái hồ ở Hà Nội đều đẹp cả, nhất là vào dịp Tết. Ba em bảo sang năm sẽ cho tụi em về lại quê cha đất tổ ăn Tết đấy. Chị Hoa ơi, chị viết thư cho em nhé. Nhận được thư của chị em sẽ đến bên khóm hoa cẩm tú cầu đó và đọc cho cả con chó Si và con mèo Mi của em nghe nữa.Chị nhớ nhé!

..Hoa gập bức thư lại, giờ đây Hoa đã xa Đà Lạt, đã rất xa căn nhà nhỏ ấy. Một căn nhà nhỏ ở giữa vườn hoa tràn ngập sắc màu của hoa hồng và cẩm tú cầu. Nơi ấy Hoa đã chơi đùa với thằng cu So con bác Hiển. Bác Hiển là anh ruột của mẹ Hoa, bác là một nhà khoa học làm việc ở một viện nghiên cứu nơi cao nguyên thanh vắng ấy.

Chợt một cơn gió lành lạnh thổi đến làm rơi những cái lá me vàng, có lẽ là những cái lá vàng cuối cùng của mùa đông bay như mưa xuân bên cửa sổ. Hoa chợt thấy mình nhớ lại hoàn toàn buổi sáng kỳ lạ đó… Một buổi sáng cuối hè ở cao nguyên không khí cũng hơi lành lạnh thế này.

Chị và em. Ảnh: Điệp Giang

 Trong khi trẻ con nô đùa dưới bóng cây hồng thì người lớn vừa ngồi uống trà a-ti-sô vừa trò chuyện. Mùi trà thơm bay trong gió.

Bác Hiển nói:

– Tôi còn nhớ thủa nhỏ chúng ta hay nhặt búp đa quanh cây đa đền Bà Kiệu rồi chạy lên những phiến đá ở Tháp Bút bên Bờ hồ, ngồi thổi chơi.

– Chúng mình còn chơi trò Trần Quốc Toản đuổi giặc. – Mẹ Hoa nói thêm.

Bác Hiển cười vang:

– Ngày ấy cô chơi ăn gian. Tôi đã chém “chết” cô rồi mà cô còn nhỏm dậy lôi tôi ngã “ ngựa” .

– Đấy là em mới bị thương thôi. – Mẹ Hoa thanh minh mãi …

Hoa và thằng cu So nghe người lớn nói chuyện mà bỗng cũng thích chơi như thế. Hoa bèn cõng thằng cu So lên lưng và chạy nhong nhong trên những lối nhỏ vườn hoa.

 – Chị là ngựa, còn em là Trần Quốc Toản.

– Ha..Ha! Tiến lên! – Thằng cu So vung cánh tay lên cao như vung gươm.

 – Hí hí… – Hoa giả vờ làm tiếng ngựa kêu và chạy nhanh hơn trên bãi cỏ.

– Tướng giặc bỏ chạy kìa ! Đuổi theo mau! –  Thằng cu So chỉ tay lên trên phía đồi thông.

Hoa chạy lên đồi, thằng cu So nhong nhong trên lưng. Chao ơi, cái thằng còi nhom mà sao bây giờ nặng ỳ. Gió thổi ào ào. Cỏ non như lướt đi ở dưới chân, những con chuồn chuồn và bướm sặc sỡ bay vèo qua mái tóc, mùi thơm của vườn hồng nơi chân đồi lâng lâng dâng lên.

Lên đến đỉnh đồi thì hai chị em ngã lăn bên một gốc cây thông.

Hoa quỳ xuống nói trong hơi thở nghẹn lại:

– Xin tướng quân cho giải lao!

– Ô, con ngựa này biết nói, dễ thương quá trời!

Trong tiếng thông reo rì rào, thằng cu So cười ha hả, rồi nó bảo :

– Chị có thích cưỡi ngựa thật không?

– Ngựa thật à?

– Phải rồi, em biết chỗ đó!

Thế rồi hai chị em đi đến một thác nước có tên gọi là thác Cam Ly, ở đó có những người chăn ngựa đang mời gọi khách du lịch. Thấy một đám đông, hai chị em chen vào, tò mò nhìn những con ngựa được trang trí yên cương màu sắc rực rỡ.

Một tiếng reo to:

– A! Chào cô bé Hà Nội xinh đẹp, mời em vào đây. Em có thích làm một cô gái Kơ-Ho cưỡi ngựa dạo chơi trên cao nguyên Lang Biang không?

– Có ạ. – Hoa mạnh dạn giơ tay lên

Thế là trong lúc Hoa chưa kịp định thần thì đã có hai người khoác cho cô bé những khăn áo mũ, váy của cô gái dân tộc Kơ-Ho và nhấc bổng Hoa lên ngựa. Thật là buồn cười khi cái ống quần bò và đôi giầy Biti’s thò ra dưới chiếc váy thêu thổ cẩm.

– Cầm lấy cương ngựa đi nào!

Như bị thôi miên, cô bé cầm lấy dây cương và một cảm giác thật liều lĩnh như gió thổi ào ào trong đầu. Mình sẽ cưỡi ngựa lao đi qua dòng suối có thác nước đang đổ xuống.

Ô không, không có chuyện lao đi đâu hết cả cả, ông chủ ngựa vẫn giữ chặt dây cương và các ông thợ chụp ảnh thi nhau bấm máy. Tách! Toách! Tách! Toách!

Đến kiểu ảnh thứ mười một thì một tiếng kêu to:

– Hoa! Con ơi! Sao con lại đi ra tận đây!

– Mẹ!-  Mẹ và bác Hiển vẻ mặt đầy hốt hoảng đang nói ríu cả lưỡi khi trông thấy con gái mình trong bộ dạng thế kia.

Ông chủ ngựa cười:

– Chà, chị hai ơi, có chi đâu mà bà chị la to thế! Con gái chị gan góc đó, sau này làm được việc lớn cho mà coi.

Nói rồi ông ta lại nhấc bổng cô bé Hoa đặt xuống mặt đất.

Hôm đó mẹ của Hoa đã thanh toán tiền thuê quần áo dân tộc, tiền cưỡi ngựa và tiền chụp mười một kiểu ảnh. Thật là một kỷ niệm đắt giá.

Thế mà  thằng cu So nói như một cụ già:

– Đà Lạt nhỏ xíu à! Bố mẹ với cô Hoài vừa chạy xe máy một hồi là tìm ra con với chị Hoa liền.

Bác Hiển lại bảo đó là do những người ruột thịt thường có linh tính dẫn đường khi đi tìm nhau.

 Chúng mình là ruột thịt đấy, cho em ngắm anh kỹ kỹ chút nào! – Ảnh: Mẹ Bon

 Giờ đây Hoa cũng đang có một linh tính , mưa xuân đang rơi thật, trên những cành cây trơ trụi vừa qua một thời giá rét và khô lạnh, lộc non đang hé ra rất nhỏ, rất nhỏ… Hoa nghĩ là giờ đây , thằng cu So cũng đang nghĩ về Hà Nội, nghĩ tới những cái hồ nước ngọt ngào như trong những câu chuyện kể của ba nó.Những người thân dù ở xa xôi vẫn luôn nhớ đến nhau, như đang gần bên nhau, như đang rất gần, như đang ngồi uống nước chè và trò chuyện cùng nhau.

Hoa cầm bút viết:

“ Hà Nội, ngày… tháng.. năm…

Em So thân mến

Chị vẫn còn nhớ chuyện cưỡi ngựa ở Đà Lạt ngày hè năm ngoái. Và chị nhớ rằng em bảo em thích chơi với chị, chị là một người dũng cảm. Chị cũng thích được khen lắm… Hi hi. Chị viết tiếng cười trong thư thế này, em thấy được chứ? Chị có linh tính rằng lớn lên chị sẽ đi xa, đi như một người cưỡi ngựa đường trường . Có thể chị sẽ đi đến sa mạc, có thể chị sẽ đi đến các vùng băng giá trên trái đất.. Chị sẽ xa bố mẹ, xa gia đình, xa Hà Nội nhưng chị vẫn cảm thấy người thân bên cạnh . Giống như bố em một nhà khoa học đã đi nhiều nơi trên trái đất này thế mà  cả nhà em vẫn nhớ đến cả nhà chị… và theo linh tính những người ruột thịt lại tìm thấy nhau. Có phải không em nhỉ? Lá thư này sẽ đến với em khi những ngày Tết cổ truyền đã qua, một bức thư hơi chậm. Nhưng bây giờ mưa xuân mới đang rơi ở Hà Nội và ở Đà Lạt chắc là hoa xuân đang nở rất thắm. Những người thân bao giờ cũng nghĩ đến nhau dù ở xa , ở rất xa..Chị mong mùa xuân tới sẽ được đón cả nhà em về ăn Tết với cả nhà chị, em nhé.

Chị chào em.”

Hoa dừng bút và nhớ đến nét mặt mẹ ngày hè ấy dáng điệu của mẹ vội vã băng băng chạy qua những đồi thông.Đà Lạt lạnh ngăn ngắt mà mẹ lại toát mồ hôi khi nhìn thấy ông anh ruột, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu vi trùng.

Thật là xa xôi đến đâu anh em vẫn tìm đến bên nhau, mẹ nhỉ?

 Sau này, dù “xa xôi đến đâu anh em vẫn tìm đến bên nhau”

Ảnh: Mẹ Hưng

Tác giả: Nhà văn Lê Phương Liên

Nhà văn Lê Phương Liên trong những ngày tham dự Liên hoan Châu Á với nội dung cho trẻ em (Asian Festival of Children’s Content-AFCC-2011)

About admin2

Scroll To Top