Home / Tin Tức / Mùa hè thả trẻ xuống đường…

Mùa hè thả trẻ xuống đường…

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con, chia sẻ về “cơn đau đầu” của các bậc cha mẹ mỗi dịp hè về và một số giải pháp của chị từ góc độ một nhà giáo dục lẫn một người mẹ.

ĐỂ NHỮNG KÝ ỨC HÈ LUNG LINH

Mùa hè lại đến và “cơn đau đầu” của các bậc cha mẹ lại xuất hiện: làm gì với bọn trẻ vào mùa hè? Chị – người quanh năm “Đọc sách cùng con” – có phải đối mặt với vấn đề này không?

– Chúng tôi – những người tham gia điều hành câu lạc bộ Đọc sách cùng con, các cô giáo và các bố mẹ thành viên câu lạc bộ – đã lâu rồi không còn bị “cơn đau đầu” này hành hạ nữa. Vấn đề bây giờ lại là mơ ước kỳ nghỉ thật sự kéo dài hơn đôi chút để các con có thể tận hưởng mùa hè tuổi thơ, có đủ thời gian để sống và trải nghiệm, để lớn lên, vì trên thực tế hầu như các trường chỉ được nghỉ đến quãng 15-7 là trẻ lại vào một “mùa học” mới thay mùa hè.

Chị giải quyết chúng thế nào?

– Với gia đình tôi, mùa hè là mùa con trai tôi được “thả” xuống đường, được đi nhặt xác ve và loay hoay với những trò chơi của nó. Cậu bé của tôi mê các loại côn trùng nên luôn say sưa quan sát chúng không chán trong thiên nhiên. Ngoài ra, tôi cũng hay gửi con trai về nhà bà nội, bà ngoại vài ngày để cháu được gần gũi các bà nhiều hơn, tạo gắn kết tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm với các anh chị em họ của mình. Chúng yêu quý nhau như ruột thịt vậy.

Các “sinh hoạt hè” của chúng được những người lớn thay nhau tổ chức. Hôm nay đi công viên, ngày mai đi bảo tàng tự nhiên, hôm khác ra ngoại thành cả ngày, một vài buổi đi bơi cũng được lũ trẻ nhiệt liệt hưởng ứng. Hoặc đôi khi lũ trẻ chỉ ở nhà chơi cờ, đọc sách, xem phim hoạt hình, đợi chiều mát xuống đường đi patin, đạp xe vài vòng. Chơi hè cùng anh chị em họ như thế cũng là một giải pháp tuyệt vời cho những bậc phụ huynh bận rộn.

Mùa hè cũng là mùa “được” học làm việc nhà: thêm các kỹ năng mới và thực hiện hằng ngày để tạo thói quen. Chẳng hạn sau mùa hè năm ngoái, con trai 11 tuổi của tôi đã biết đặt cơm giúp mẹ và rửa bát thành thạo, để suốt một năm học làm việc đó không cảm thấy chút nào khó nhọc vì đã kịp có thói quen trong những ngày hè. Năm nay, cậu lên 12 tuổi và tôi hi vọng con sẽ có thêm một vài kỹ năng mới để tự phục vụ mình và chia sẻ cùng gia đình.

Ở đây, tôi không thể không nhắc đến kỳ trại hè của câu lạc bộ Đọc sách cùng con mà chúng tôi tổ chức liên tục ba năm nay, có tên là EcoCamp. Chỉ 10 ngày nhưng là 10 ngày được thiết kế hoạt động vui chơi, thể thao, lao động, học kỹ năng, học các bài học về môi trường, tiến hành các thí nghiệm, đọc sách, ca hát, nhảy múa, làm việc nhóm trong các bài tập, các trò chơi lớn… một cách hợp lý, khiến mỗi đứa trẻ đều phát hiện điều gì đó mới mẻ về bản thân và thấy mình lớn lên.

Con trai tôi và các anh chị em họ của cháu cũng háo hức chờ đợi đến trại hè này mỗi năm. Và cứ sau mỗi mùa hè, chúng lại có đầy ắp kỷ niệm cùng nhau, có nhiều chuyện để bàn tán, đôi khi chủ đề chỉ là… một con cóc mà chúng bắt gặp ở bãi cỏ của trại!

Dù các bạn nhỏ tham gia EcoCamp hằng năm sẽ chỉ gắn bó với trại trong khoảng nhiều lắm là ba năm của tuổi thơ, tôi vẫn tin các em đã có những niềm vui mùa hè lung linh trong ký ức – những điều mà chỉ khi lớn lên người ta mới ý thức được chúng có giá trị thế nào với một con người.

Niềm vui cùng đất của các bạn trẻ tại trại hè EcoCamp 2014

TÔI SỢ CÁCH GIAO BÀI TẬP HÈ CỦA NHIỀU TRƯỜNG

Trong một bài đăng trên TTCT lâu rồi, chị có nhắc lại câu nói của nhà văn nữ Romania: “Chỉ là gỗ mọc lên vào mùa hè”… Ở phương Tây, tại những xứ sở nhiều tháng lạnh lẽo, mùa hè là mùa nhất thiết phải mang trẻ con “lên rừng” hoặc “xuống biển”, để “gỗ” có vitamin, hít thở khí trời, lớn cùng thiên nhiên, ít thấy chuyện mùa hè thì… học hè như ở VN…

– Tôi rất sợ câu nói ví von “Mùa hè là học kỳ thứ ba” cho dù đúng là mùa hè là mùa mà các bạn nhỏ học được nhiều nhất. Mùa hè giúp các bạn ấy thấm hơn các kiến thức học trong trường vì học thông qua trải nghiệm cá nhân, thông qua việc làm, hoạt động và cả trải nghiệm cảm xúc nữa. Buồn vui, giận hờn, lo lắng, thương nhớ của mùa hè bao giờ cũng được nhớ lâu hơn vì môi trường tiếp xúc của bọn trẻ được mở rộng.

Tuy nhiên, đừng coi mùa hè là một học kỳ nữa theo nghĩa đen – điều mà bây giờ nhiều trường, nhiều người lớn đang muốn có. Các lớp học hè ban đầu là một phương án trông trẻ, cho trẻ có việc để làm mà người lớn đỡ lo lắng về sự an toàn của chúng. Về sau, các lớp học hè bỗng trở thành sự bổ sung vụng về cho những kiến thức hổng trong năm học.

Tôi sợ cách giao bài tập hè của nhiều trường, tiễn trẻ vào kỳ nghỉ bằng một loạt con số: bài… trang…! Tôi thích cách giao việc mùa hè của các trường ở một số nước: đọc sách! Các bạn nhỏ chọn hai, ba cuốn sách từ thư viện nhà trường và sau hè, các bạn chia sẻ lại cảm xúc hoặc viết thu hoạch về những gì đã đọc.

Nhiều người lớn cho rằng mùa hè thật… nguy hiểm! Nó làm bọn trẻ mất thói quen ngồi làm bài tập và vì thế họ cố gắng giao bài cho chúng y như trong năm học. Tuy nhiên, đã gọi là học thì có rất nhiều cách học nên tôi cho rằng sự lo lắng đó không có cơ sở. Đấy là lo cho “thói quen” chứ không phải việc học và tư duy.

-Nhưng các bậc cha mẹ đô thị VN có lựa chọn nào khác đâu khi họ không thể bỏ bê công việc? Chúng ta từng lớn lên mà không có những trại hè đúng nghĩa. Những đứa trẻ không thuộc gia đình trung lưu thì mùa hè là mùa tắm mưa, bắt dế… Nhưng cả điều này cùng là xa xỉ ở những đô thị lớn VN hiện nay khi chúng ta chưa có nhiều mảng xanh. Thiếu công viên (nếu có, cũng ngại… kim tiêm…), thậm chí nếu có thả con đi chơi cũng ngại không an toàn (chuyện các bạn gái bị quấy rối ở công viên nước hồ Tây)…

– Bên cạnh thực tế đáng buồn như vậy thì nếu “đầu tư suy nghĩ”, ta thấy vẫn có thật nhiều điều có thể làm cùng bọn trẻ vào mùa hè. Nhiều gia đình chọn giải pháp đi biển hay đi núi cả nhà – đó là phương án tuyệt vời! Tuy nhiên, các phụ huynh khó có thể xin nghỉ được nhiều, kỳ nghỉ chung với gia đình sẽ chỉ kéo dài ít ngày, và trong khi chờ đợi bố mẹ sắp xếp kế hoạch đi chơi thì bọn trẻ đã no mắt với tivi, iPad và máy tính rồi! Vì thế cần phải có thêm phương án khác.

Tôi nhớ ngày bé, cứ đến hè là chúng tôi nghêu ngao bài: “Nghỉ hè lại được về quê… Hè qua lại đến thu sang, cổng trường mở đón thênh thang em vào…”. Nếu nhà ai có ông bà, chú bác ở quê thì đừng quên cho trẻ có được niềm vui này.

Tôi nhớ một câu chuyện vui vui thế này của bạn nhỏ Nguyễn Quang Huy khi bạn gặp lại mẹ sau mười ngày đi trại hè. Mẹ Huy bảo: “Huy sướng thật, đi mười ngày toàn chơi, chả phải học hành nghĩ ngợi gì!” thì Huy đáp ngây thơ: “Ôi, ở trại hè cũng phải nghĩ ngợi đấy mẹ ạ. Ngày nào con cũng phải nghĩ. Mỗi khi đi nhổ cỏ thì con nghĩ: không biết làm thế nào để phân biệt được cỏ và rau nhỉ? Đội con có bạn nhổ cỏ thì lại nhổ nhầm rau. Mà nói chung làm gì cũng phải nghĩ mẹ ạ!”. Quả thật trong cuộc sống, những “nghĩ ngợi” ấy chính là tư duy để đi đến các bài học đấy chứ.

Hãy mạnh dạn gửi bọn nhỏ về quê, dù chỉ vài ngày, nếu được cả một, hai tuần thì thật tốt. Không gian rộng lớn, thoáng đãng ở miền quê rất cần cho những đứa trẻ thành thị, cho chúng gần gũi với thiên nhiên, giải tỏa mọi áp lực học tập, có những trải nghiệm khác biệt, không giống cuộc sống đơn điệu ngày thường, để tích tụ đủ nắng, gió, niềm vui và năng lượng cho cả một năm học phía trước.

Tuy nhiên, để mùa hè không trôi qua “vèo một cái” mà chưa kịp làm gì thì rất nên ngồi lại với các con, hỏi ý kiến chúng về những mong muốn mà chúng đặt ra cho kỳ nghỉ, rồi cùng nhau lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày – ngày “động” xen kẽ ngày “tĩnh”, ngày đi chơi, ngày ở nhà đọc sách, làm việc nhà – để trẻ lớn lên mà không quá tải, không bị mất sức vì trải nghiệm… quá độ. Cũng không phải ít bạn nhỏ rơi vào trường hợp này – sau hè mặt mày phờ phạc, thiếu ngủ vì tham gia quá nhiều hoạt động liên tục.

Tôi chỉ xin lưu ý một điều: mỗi một kỳ nghỉ chỉ nên đi một trại hè, để cảm xúc của trẻ được tập trung, năng lượng không bị tản mát. Nhiều gia đình vì bố mẹ bận rộn lại muốn con có nhiều trải nghiệm hơn, cố gắng gửi con hết trại hè này đến trại hè khác, chưa kể các hoạt động dã ngoại của các tổ chức khác nhau.

Quá nhiều cảm xúc cho quá nhiều hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục, nhiều tổ chức, đấy là chưa kể những thông điệp khác nhau, phương pháp khác nhau trong cách tiếp cận trẻ mà họ đưa vào các sự kiện của mình sẽ có thể trở thành “lợi bất cập hại”. Một mùa hè, trẻ chỉ nên gắn bó với một tập thể – đó là cách tôn trọng chính “cá thể đặc biệt” là đứa trẻ vậy!

Câu lạc bộ của chị chơi hè thế nào?

– Giữa hai đợt trại hè EcoCamp được tổ chức vào tháng 6 và tháng 7 (năm nay chúng tôi đưa bọn trẻ ra biển Đồ Sơn, Hải Phòng) thì câu lạc bộ Đọc sách cùng con vẫn kiên trì với các buổi đọc sách theo kịch bản kết hợp học vẽ, chương trình làm đồ chơi khoa học, làm truyện tranh, lớp học nhảy popping, vui chơi và học kỹ năng sống, chỉ khác là nếu trong năm tập trung vào thứ bảy, chủ nhật thì từ ngày 1-6 trở đi, các hoạt động này sẽ diễn ra hằng ngày ở trụ sở chính của câu lạc bộ.

Trước khi các bạn nhỏ bước vào năm học mới, chúng tôi có khóa chơi hè có tên “Sắp hết hè vẫn vui”. Thường thì những hoạt động này được thiết kế sao cho các em vẫn vui chơi nhẹ nhõm nhưng có các bài tập để chia sẻ cảm xúc mùa hè, tập hợp mọi điều các em đã thu hoạch được trong hè, bắt đầu nghĩ về năm học mới một cách tích cực và luyện lại kỹ năng học tập để sẵn sàng cho một khởi đầu mới.

Năm nay, chúng tôi sẽ đặc biệt hướng dẫn các bạn nhỏ một kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng để làm được không chỉ cần kỹ thuật mà cần phương pháp để có thể cảm nhận cuộc sống và ngôn ngữ một cách tinh tế. Đó là đọc diễn cảm!

Theo TTCT (2015)

About admin2

Scroll To Top