Home / Bài Viết / Thần tượng

Thần tượng

HỎI:

Thưa cô, học sinh ngày nay ai cũng mến mộ một ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng nào đó hay nói cách khác là thần tượng. Em cũng vậy, em rất hâm mộ các ca sĩ, diễn viên trong và ngoài nước nên dán ảnh của họ khắp phòng. Thấy vậy bố mẹ em không hài lòng và lo lắng, khuyên em nên tập trung vào việc học. Vậy việc thần tượng một ai đó có phải là điều tốt không? Và em phải làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của bố mẹ về việc này? Em rất mong nhận được lời tư vấn của cô.

Lê Thị Hồng Hạnh (Lớp 9D – THCS Lý Tự Trọng – Hương Canh – Bình Xuyên- Vĩnh Phúc)

Minh họa: nguồn Internet

TRẢ LỜI

Hạnh thân mến,

Cô đọc thư em gửi trong khi trên tivi đang chiếu lại tiết mục của ban nhạc The Beatles lừng danh những năm 70 của thế kỉ trước. Và cô bỗng nhớ vô cùng thời cô học năm lớp 12, cô cũng từng chép vào sổ những bài hát của họ, đón nghe họ trên đài phát thanh qua cái loa rọt rẹt cũ kĩ của khu tập thể, treo ảnh John Lenon lên tường ngắm nghía say mê, thấy “anh ấy” đẹp trai nhất thế giới(!)- có điều ngày ấy không dễ có được một bức hình thần tượng như bây giờ.

Phải rồi, hình như, một thời ai cũng từng có thần tượng! Như câu chuyện của em vậy.

Thần tượng một ai đó, trở thành “fan” của người ấy, quan tâm đến mọi thông tin của người ấy, treo ảnh trên tường ngắm, thậm chí…mơ thấy thần tượng, thế rồi mong muốn được gặp mặt, được chụp ảnh cùng v.v…Đó là những hiện tượng không lạ, nhìn quanh có khi cũng thấy, những người bạn của mình, mỗi người có thể thích một nhân vật khác nhau. Một diễn viên Hàn Quốc, một ca sĩ Việt Nam như Mỹ Tâm chẳng hạn; một siêu sao bóng đá đội MU; hay,có thể, một…nhà khảo cổ học( như con trai cô hâm mộ)…Họ đều là những người có điểm xuất sắc nào đó về nghề nghiệp của mình hoặc về ngoại hình hay nghị lực vượt khó. Họ khiến ta ngưỡng mộ, cảm phục, và thầm muốn được như họ…Nhưng thần tượng cũng không “bền vững” qua năm tháng. Ta lớn lên và mỗi một giai đoạn ta lại say mê một hình ảnh mới…Thế rồi cho đến khi trưởng thành, đã có những hoạt động nghề nghiệp của riêng mình, một ngày ta bỗng nhận ra: ta chẳng còn thần tượng ai kinh khủng nữa! Không còn mong mỏi được gặp, được treo ảnh khắp phòng, được tưởng tượng mông lung về cái người mình hâm mộ ngày nào nữa.

Đó là những chuyện rất bình thường trong cuộc sống. Vấn đề ở đây chỉ là cách ứng xử thế nào với chuyện này thôi.

Gần đây nhiều cách ứng xử của các bạn trẻ với thần tượng khiến các bố mẹ lo ngại: Ngoài việc mất thời gian đi sưu tầm tranh ảnh, các mẩu tin tức về thần tượng, có nhóm bạn còn chầu chực ở sân bay, nhà hát…mong gặp thần tượng, khóc lóc biểu lộ cảm xúc quá mạnh như…hôn chiêc ghế của thần tượng đã ngồi, rồi vì thần tượng mà rơi vào các cuộc tranh cãi miên man trên mạng xã hội. Có bạn trở thành “fan cuồng”, hành động mất hết cả lí trí., gào khóc lao vào thần tượng khiến chính thần tượng cũng phát hoảng!

Cô nhắc những chi tiết không vui ấy để em thông cảm hơn với quan điểm có vẻ hơi khắt khe trong việc này của bố mẹ em. Họ có lí do để lo lắng. Hãy thử đặt mình vào vị trí của mẹ em chẳng hạn: con gái học lớp 9, chuẩn bị thi hết cấp, có vẻ đang say mê một nhân vật nào đó…Lo chứ! Lo con quá đà mất thời gian, lo con không còn đầu óc nghĩ đến việc khác nữa vì đầu chật những hình ảnh nhân vật kia rồi còn gì! Còn những nỗi lo gì người mẹ có thể có nữa, em nhỉ?…Nghĩ ra được hết những nỗi lo đó là em sẽ có cách trấn an mẹ, chứng minh cho mẹ thấy, không có gì đáng lo sợ cả! Mà nếu chẳng may…em không “vào vai” mẹ được, em có thể hỏi thẳng mẹ xem mẹ lo lắng điều gì! Chỉ có sự trao đổi thẳng thắn nhưng lễ phép của em với bố mẹ mới khiến bố mẹ đỡ lo thôi! Hơn thế, em có thể kể cho bố mẹ về cái hay, cái giỏi của nhân vật mà em hâm mộ (tiếc là em không “bật mí” cho cô biết đó là ai!). Rất có thể, bố mẹ cũng kể cho em nghe hồi xưa họ có âm thầm là “fan” của ai không. Một cơ hội để hiểu thêm về bố mẹ mình đấy.

Tóm lại, về mặt nguyên tắc, phòng của em, em có quyền được trang trí bằng hình ảnh thần tượng. Tuy nhiên, vẫn phải chú ý giữ thẩm mĩ chung cho ngôi nhà của gia đình, tôn trọng góp ý của người trong nhà…Và cũng về mặt nguyên tắc, tuổi trẻ có quyền được tôn thờ ai đó, bày tỏ tình cảm nồng nhiệt của mình với người đó, làm những điều đôi khi khiến người lớn thấy kì quặc, mà các bạn trẻ bây giờ hay gọi vui là “điên điên”. Nhưng ai biết “điên điên” một cách sáng tạo, thú vị, nhẹ nhõm , không ảnh hưởng đến việc chính của mình, không làm phiền lòng người thân thì mới là…sành điệu. Cô nghĩ, có thể em đồng tình với cô, rằng thần tượng vẫn chỉ là một khoảng “ảo” trong cuộc đời chúng mình thôi. Học hành, giao lưu với bạn bè, sống quan tâm tới mọi người xung quanh, nghĩ về nghề nghiệp tương lai – mới chính là cuộc sống thật của mình. Chúc em vui vui giữ cho mình một tình cảm trong lành với thần tượng, có cách làm bố mẹ an tâm, đồng thời không quên trau dồi những gì mình biết mình giỏi. Biết đâu lớn lên, chính em lại là…thần tượng của ai đó thì sao!

Thân mến,

Cô Thụy Anh (Bài viết đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số tháng 2 năm 2016)

About DuongMy

Scroll To Top