Home / Bài Viết / Lòng biết ơn có đến từ… sách giáo khoa?

Lòng biết ơn có đến từ… sách giáo khoa?

Sớm cuối tuần thức dậy, chợt nghe mùi cơm thơm và tiếng xào nấu lách cách trong bếp vọng ra, tôi sực nhớ, hôm qua mẹ ghé chơi, ngủ lại. Và người mẹ gần 80 tuổi của tôi đã tặng cô con gái một buổi sáng được ngủ nướng trong cái cảm giác trở lại tuổi thơ êm ái vô bờ…

Hình ảnh: Các thủy thủ nhí EcoCamp gửi biếu cụ Bùi Bội Khâm món bánh do chính tay mình làm.

Tôi nhớ, ngày còn nhỏ, có lần cãi bướng với mẹ, bị mắng, tôi đã giận mẹ không để đâu cho hết. Tuổi nổi loạn, tôi đầy ắp những suy nghĩ bực bõ, chống đối. Nhưng một sáng mùa Đông tinh mơ tờ mờ đất, tôi bỗng tỉnh giấc sớm. Có ánh đèn dầu nhập nhoạng từ bếp hắt ra và tiếng gõ thân bếp trấu nhè nhẹ. Rồi mùi cơm thơm ấm áp dâng lên trong không gian trong vắt của ngày rét. Tôi bỗng thấy lòng chùng lại, rơm rớm nước mắt vì thương xót, cảm động, biết ơn. Thời ấy, chúng tôi vẫn ăn cơm buổi sáng cho chắc bụng rồi mới đi học. Mẹ thường nấu cơm cho vào liễn, ủ trong chăn bông rồi vội vã đi dạy. Cá cũng kho trước rồi, trong chiếc nồi con méo mó. Dăm thân cá nhỏ kho khô, đậm mùi mắm, tiêu, nằm im trong nồi chờ đợi. Trưa đi học đi làm về, mẹ chỉ nấu thêm tí canh là mấy mẹ con có bữa ấm ngon lành. Thời bao cấp, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng cái cảm giác êm ái này, đối với tôi, dường như chỉ thời ấy mới rõ nét đến thế. Bao giờ nhớ lại, lòng tôi cũng tràn ngập biết ơn…

Lòng biết ơn của một đứa trẻ, nó đến không chỉ từ bài học luân lý, nhắc phải biết ơn. Cũng không chỉ từ câu tục ngữ, ca dao xưa. Càng không phải từ những tấm băng-rôn khẩu hiệu to tát với những từ khoá “biết ơn”, “đền đáp công ơn”… người đi trước, cha mẹ ông bà, thầy cô… Không phải từ việc ai đó hướng dẫn trẻ làm tấm thiệp tặng mẹ tặng cô như một hoạt động giáo dục giờ đây đã trở thành quá quen thuộc! Tôi ngỡ rằng, lòng biết ơn sẽ đến từ những khoảnh khắc bé nhỏ khi các giác quan được kích hoạt. Ánh mắt bắt gặp vài giọt mồ hôi trên trán cô giáo, thấy nụ cười khích lệ của cô. Đôi tai nghe và nhớ mãi giọng nói vỗ về của mẹ, tiếng thìa quấy cốc sữa lanh canh khi con ốm… Cảm giác mơn man, dễ chịu khi má mẹ áp vào trán con đo độ nóng, khi bàn tay ram ráp xoa lưng. Và những làn hương cũ, những mùi vị ký ức … tất cả đều khiến những cảm xúc lay động mạnh mẽ, kể cả những đứa trẻ bị “dán nhãn” là vô tâm vô tình nhất.

Tôi nghĩ đến câu chuyện này khi chúng tôi bàn về việc dạy trẻ “thể hiện lòng biết ơn” trong sách giáo khoa mới. Một bài học hay một hoạt động giáo dục với một ý “xanh rờn” của cái gọi là yêu cầu cần đạt sẽ là gánh nặng cho thầy cô và học sinh nếu nó bất chấp logic nội tại của cảm xúc, thái độ dẫn dắt hành vi con người. Dường như, mỗi con người sinh ra mặc định đã mang một trách nhiệm là phải biết ơn một ai đó, nhiều ai đó!

Khi đưa vào sách giáo khoa nội dung “thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói, bằng việc làm thiết thực”, tôi thiển nghĩ, các tác giả soạn chương trình, soạn sách hãy nghĩ đến cảm nhận của đứa trẻ trước khi đưa ra các nhiệm vụ liên quan quá trực diện đến hành động cảm ơn. Hãy giúp trẻ rung động từ những quan sát hằng ngày, từ việc thu lượm thông tin, từ sự đặt mình vào các tình huống khác nhau để trải nghiệm cảm xúc. Lòng biết ơn được nhen nhóm và cũng cần được nuôi dưỡng. Nó không nên bị dẫn dắt thô bạo!

Hình ảnh: Lời cảm ơn được thể hiện bằng nhiều các khác nhau.

Lòng biết ơn đừng bao giờ là một nhiệm vụ, một bắt buộc, một gánh nặng. Vì thế, lòng biết ơn cũng không thể đến từ một chỉ dẫn, một câu lệnh! Nó tinh tế hơn nhiều! Nó là sự giác ngộ, một cảm nhận, một vỡ lẽ, một bâng khuâng… Nó là cả quá trình. Từ sự để ý quan sát vẻ bề ngoài của một người, cách người ấy ứng xử, những gì người ấy làm… đến những tư liệu liên quan, cơ duyên được tìm hiểu, giao lưu, phỏng vấn, khảo sát… Với những câu chuyện về truyền thống – truyền thống dân tộc, truyền thống nhà trường, những nhân vật lịch sử, lại càng cần được tiếp cận nhiều hướng – sáng tạo hơn, lắng đọng hơn.

Hình ảnh: Những món quà sáng tạo để bày tỏ lòng biết ơn từ các thủy thủ EcoCamp.

Hẳn có người sẽ bảo, thế thì lâu quá, cái lòng biết ơn ấy đến bao giờ mới có được nếu cứ phải đợi trải nghiệm, quan sát, tìm hiểu! Và thế là, sách giáo khoa sẽ có dòng lệnh nhẹ bẫng như lông hồng: “Thể hiện lòng biết ơn…” mà học sinh còn ngơ ngác chưa kịp cảm nhận được thứ cảm xúc không hề đơn giản ấy!

Giáo dục là cả quá trình mưa dầm thấm lâu, không thể “đi tắt đón đầu”, không thể tăng tốc bất ngờ. Giống như thân cây cần toả rễ bám sâu vào lòng đất, những rễ cọc rễ chùm, rễ nào cũng cần đủ về thời gian, vừa về không gian, để chúng đón chất dinh dưỡng mà thật sự lớn lên.

THUỴ ANH

About DuongMy

Scroll To Top