Một trong những phong tục dân gian thú vị đang bị… mai một đi là tục mừng tuổi trẻ em ngày Tết. Tôi nói “mai một” là mai một ý nghĩa của nó trong khi việc mừng tuổi, lì xì lại ngày càng thịnh hành. Người ta tận dụng phong tục này để biếu xén, đút lót, lấy lòng sếp, tạo quan hệ tốt với đối tác hoặc cũng có thể đơn giản là tạo mối thiện cảm, bày tỏ quan tâm với một người mình yêu quý bằng cách tặng tiền cho những đứa trẻ của người ấy, gia đình ấy … Tuy nhiên, những người lớn đã quên mất, rằng mỗi một hành động “lệch chuẩn” của họ đều ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và nhân cách trẻ. Tôi từng chứng kiến cảnh những đứa trẻ hồn nhiên bóc phong bao lì xì trước mặt người lớn, phán: “Sao ít thế! Cô Hoa, chú Hùng cho nhiều hơn!” hoặc “A, thêm được một triệu, bọn thằng Hoà được ít mừng tuổi hơn mình! Phải cố đi cùng bố mẹ chúc Tết để… kiếm thêm một ít, đủ tiền mua LEGO mới được!”. Cảnh ấy làm không ít người lớn cau mày khó chịu hoặc cảm thấy sượng sùng. Họ cũng không ngờ rằng, mỗi phong bao lì xì mang một thông điệp đến với trẻ. Lẽ ra, thông điệp của việc này là: “Mình lớn thêm một tuổi rồi!” – với sự chúc phúc của người lớn và một phong bao có tiền nhiều mệnh giá nhỏ khác nhau, mang ý nghĩa biểu trưng. Còn hiện giờ, thông điệp lại là: “A, mình có nhiều tiền! Phải mua gì nhỉ?! Cô chú này cho nhiều – là người tốt! Cô chú kia keo kiệt thế!”…
Vậy, phương án nào cho người lớn trong việc này với mục tiêu là để trẻ hiểu tục lệ đẹp để của dân tộc, thấy được sự quan tâm ý nhị của người với người, thấy được sự gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, trong xã hội….?
Tôi có một vài đề xuất như sau:
- Kể cho trẻ nghe sự tích mừng tuổi, lì xì: Mỗi đồng tiền là hoá thân của một vị tiên, buổi đêm bảo vệ trẻ em khỏi lũ quỷ thường đến trêu chọc khiến trẻ quấy khóc. Trẻ cần hiểu để thấy thích thú với phong tục này ở ý nghĩa của nó chứ không phải ở giá trị vật chất.
- Kèm với một phong bao nhỏ có số tiền tượng trưng như 20 hoặc 50 nghìn; hay đủ các mệnh giá: 1 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn, 10, 20, 50… , chúng ta có thể tặng các con thêm một cuốn sách. Cuốn sách như một lời chúc năm mới, được lựa chọn một cái tên sách thật độc đáo, phù hợp hoặc ẩn chứa một mong muốn tốt đẹp. Chẳng hạn: năm Hợi tặng cuốn “Chú Lợn biết bay”, “Ba chú lợn con”; năm Tý tặng bộ sách về chuột Típ hoặc Mickey… Nhất thiết không quên những lời đề tặng bay bổng cho một năm mới khởi đầu tốt đẹp.
- Có thể thiết kế gói quà sách giống một phong bao lì xì khổng lồ, tạo cảm xúc háo hức, ấn tượng mạnh cho trẻ.
- Giữ thói quen lì xì bằng sách và tiền tượng trưng bền bỉ qua nhiều năm, không để ngắt quãng, để tạo thói quen. Thói quen người lớn mua sách và mừng tuổi bằng sách, thói quen trẻ em nhận sách năm mới, hồi hộp đoán xem nội dung sách có liên quan gì đến năm mới; thói quen cả nhà cùng đọc sách đầu năm!
- Có thể thiết kế một tấm thiệp nhỏ ghi: “Khai Xuân! Hãy đọc tôi vào ngày Tết để cả năm may mắn!”…
Đây là một gợi ý mừng tuổi năm mới đến các bố mẹ
Việc điều chỉnh cách mừng tuổi, không “chạy đua” về giá trị số tiền trong phong bao đỏ ngày Tết cũng là cách người lớn hướng dẫn trẻ cảm nhận giá trị tinh thần nhiều hơn là chạy theo sự thực dụng đôi lúc khiến ta sống vô tâm với nhau hơn.
Nhưng để làm được việc ấy, cũng cần những người lớn… dũng cảm tiên phong!
Đương nhiên, đấy chỉ là đề xuất của tôi. Và lựa chọn cách ứng xử với việc mừng tuổi năm mới là việc rất riêng của mỗi người, mỗi gia đình!
Chúc mừng năm mới và những niềm vui mới!
TSGD Nguyễn Thuỵ Anh