Home / Thơ - truyện / Tiếng xạc xào quá khứ

Tiếng xạc xào quá khứ

Ngày nhỏ tôi đi học ở ngôi trường gần nhà. Trường nằm bên cánh đồng lúa, cách hồ Thác Bà không xa. Có những năm nước hồ dâng, cả cánh đồng mùa thu chìm trong màu nước mênh mông trắng xóa.

Mấy năm cấp hai, tôi học giỏi văn nhất lớp. Bài tập làm văn thường được tôi viết như viết truyện, nghĩa là có nhân vật, cốt truyện, có lời thoại đứng sau những gạch đầu dòng đàng hoàng. Cô giáo rất thích. Bài của tôi trở thành bài mẫu được cô đọc cho cả lớp nghe.

Lên cấp ba, đi học ở thị trấn cách nhà năm cây số, tôi được cả trường gọi là nhà văn. Bài kiểm tra môn văn của tôi toàn điểm chín, điểm mười, đỏ tươi như hoa gạo. Các môn tự nhiên tôi học làng nhàng, chỉ đủ điểm lên lớp. Là “dân nông thôn” ra thị trấn học lại hiền lành nên tôi thường bị bạn bè bắt nạt. Đôi khi chúng đánh cả “nhà văn”.

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa

Những năm cuối thời bao cấp, nền kinh tế đất nước xuống dốc thê thảm. Cả cô lẫn trò, áo không đủ ấm mùa đông, bữa cơm bốn mùa không thịt. Khi tôi vào cấp ba, cơ chế thị trường mới được nhen nhóm, miếng ăn vẫn là câu chuyện hàng đầu. Mỗi buổi làm văn, cả lớp lại thắc mắc “không biết thằng này ăn gì mà viết được dài như vậy”.

Tôi “ăn” sách, sự thật là thế, và nhờ đó mà học giỏi môn văn. Ngày ấy không phải gia đình công chức nào cũng có sách để đọc. Tôi may mắn có bố là giáo viên văn cấp hai, một người dạy văn giỏi có tiếng ở tỉnh Hoàng Liên Sơn một thời, lại là người say mê sách từ ngày trẻ. Có một dạo do chán nản thời cuộc (cái thời người có chữ bị coi rẻ, “văn hay chữ tốt không bằng học dốt lắm tiền”), bố tôi mang mấy tạ sách tích trữ được ra bán giấy vụn. Các con không còn sách đọc. Nhưng tình yêu với chữ nghĩa, như những cơn gió mát lành từ hồ xa thổi về, vẫn luôn vẫy gọi bố tôi, và một ngày kia ông lại bắt tay vào khôi phục kho sách.

Những năm ấy tôi đọc sách khá nghiêm túc, nghĩa là đọc có ý thức, có chiến lược hẳn hoi. Hồi học cấp hai, tôi đã lên kế hoạch cho mình phải thuộc hết thơ Tố Hữu trong một mùa hè, sau đó sẽ chiếm lĩnh Truyện Kiều rồi nhập tâm trọn vẹn  thơ Hồ Chí Minh cùng tập Đường thi với cả phần dịch thơ và phần chữ Hán. Mục tiêu ấy đã được hoàn thành cơ bản trong thời niên thiếu: thơ Tố Hữu và thơ Hồ Chí Minh thì tôi thuộc hết, còn Truyện Kiều chỉ thuộc được một phần ba.

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa và cụ thân sinh Phạm Duy Tình

Thời thơ ấu, mỗi kì nghỉ hè luôn là những ngày đặc biệt đối với tôi. Đó cũng là thời gian tôi đọc được nhiều sách nhất. Ngày 5 tháng 5 lập hạ, tôi thường dậy sớm chạy lên đồi, đón chào một mùa rực rỡ vàng với gió lộng xôn xao khắp nương vầu rừng cọ. Những ngày hè đáng nhớ với những buổi chiều mang sách trèo lên một cây to, giữa tán lá tươi mát rập rờn xanh, nghe tiếng rì rào trong sâu thẳm lòng mình và đọc những dòng thơ cũng đầy gió nắng…

Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng với nền văn học Xô-viết. Các tác phẩm kinh điển của Nga ngày ấy được dịch in nhiều, đặc biệt sách từ Nhà xuất bản Cầu Vồng ở Moskva về tới nước ta đã dựng lên một dải cầu vồng lung linh trong tâm hồn  thiếu nhi Việt. Những cuốn sách giấy trắng tinh bìa cứng, dường như còn mang hơi lạnh của tuyết và thoang thoảng mùi gỗ bạch dương. Tôi nhớ mình luôn rửa sạch tay trước khi thành kính cầm vào mỗi cuốn mà bố đã xếp thành từng chồng chen chúc nơi đầu hồi sát mái nhà, trên quả đồi đầy gió và nhiều cây, cuối những năm tám mươi thuở ấy.

Nếu như thơ Tố Hữu được ví là “bó hoa lửa lộng lẫy, nồng nàn” với nhiều ánh sáng và màu đỏ, thì văn học Xô-viết lại ám ảnh tôi bởi màu xanh – một gam màu bí ẩn đặc trưng bàng bạc trên khắp các trang văn viết về xứ tuyết. Đó là bóng đêm xanh lam và vành trăng lưỡi liềm xanh phớt ló ra qua những cành cây trụi lá trong tiểu thuyết của Sholokhov, là ánh trăng xanh lướt trên thảo nguyên cùng những đốm lửa xanh lam bùng lên trong đêm tối mở ra truyền thuyết về trái tim cháy trong truyện ngắn lãng mạn của Gorki… Hai vệt màu xanh – đỏ từ hai cõi ấy đã dệt nên dải lụa tâm hồn tôi, vắt ngang một thời thơ ấu. Điều đó lí giải vì sao khi viết tôi rất ưa dùng màu sắc, ngay từ những trang văn tả người tả cảnh trong  trường phổ thông. Cũng bởi thuộc nhiều thơ có vần điệu đến mức ngấm vào máu từ nhỏ mà tôi rất coi trọng nhạc tính của câu văn, dù là câu văn xuôi, văn nghị luận. Cho đến tận bây giờ, dù đã được làm quen với nhiều nền văn học, tôi vẫn yêu thứ thơ giàu chất nhạc, cũng như yêu hai màu đỏ thắm và xanh lam – không chỉ trong văn chương mà cả trong những bức tranh tôi vẽ và trong cách ăn mặc hàng ngày.

Ảnh sưu tầm

Bí quyết học giỏi môn văn (và cả để trở thành nhà văn), với tôi, thật dễ hiểu, đó là từ bé phải đọc nhiều tác phẩm văn học ưu tú, kinh điển. Tôi không thể hình dung một người không đọc sách lại có thể giỏi văn ngày nhỏ và sau này có thể viết văn.

Trong thực tế vẫn có những người có cơ hội đọc sách từ bé nhưng họ không giỏi văn. Chị gái tôi là một trường hợp. Chị sinh ra dưới cùng một mái nhà với tôi, ít nhiều cũng đọc sách văn chương kim cổ trong kho sách của bố như tôi, nhưng chị lại giỏi toán. Hiện giờ chị là giáo viên dạy toán có uy tín hàng đầu trong khối trung học cơ sở của một tỉnh. Như vậy đọc sách mới là một điều kiện, còn cần đến một điều kiện nữa mang ý nghĩa cốt tử, là phải có tố chất, năng khiếu, thiên bẩm về văn chương. Cái đó là trời cho, không phải muốn là được.

Tố chất này, ở các nhà văn, thường lộ ra từ rất sớm. Với tôi, thì hình như khi học cấp hai đã viết truyện (dù chẳng bao giờ gửi đăng) và tham gia các kì thi học sinh giỏi văn từ huyện đến toàn quốc. Một thời gian dài tôi vẫn nghĩ, nhà văn thì ông nào cũng vậy, thuở bé dứt khoát phải học giỏi văn.

Mãi sau này tôi mới biết, là có những nhà văn thời nhỏ chẳng có thành tích, tiếng tăm gì, thậm chí kết quả môn văn còn rất tệ. Một cây bút nữ lừng danh của dòng văn học trinh thám đã “khoe” trên facebook ảnh chụp trang học bạ của chị thời phổ thông, trong đó môn văn bị xếp loại yếu. Một nhà văn nam nổi tiếng viết cho thiếu nhi cũng kể rằng ngày bé học văn toàn bị điểm ba điểm bốn, chữ đã xấu còn sai chính tả lèm nhèm.

Để lí giải điều này, tôi cho rằng việc làm văn trong nhà trường có những quy định, đặc điểm khác với lĩnh vực sáng tác của nhà văn. Một đằng là định hướng, khuôn mẫu, một đằng là phóng túng, tự do. Cũng có thể lối dạy văn đôi khi rơi vào rập khuôn trong nhà trường không hấp dẫn những nhà văn ưa sáng tạo kia, nên họ đã học qua loa, đối phó.

Một điều thú vị với tôi là, trong những năm học ở trường phổ thông, tôi không phải chịu một sự gò ép nào. Các cô giáo dạy văn luôn để cho tôi được tự do tưởng tượng khi làm bài, chỉ khi nào tôi vượt ra ngoài logic hiện thực do bay bổng quá đà thì cô mới nhắc nhở. Chẳng khác gì chú dê non được thả ra một thảo nguyên rộng lớn, thỏa sức múa may nhảy nhót và mơ về những chân trời thẳm xanh. Nhờ tâm thế tự do mang sẵn trong mình từ thuở bé mà sau này ít nhiều tôi có được sự bứt phá trong thể nghiệm và độ mở của tư duy vốn rất cần cho một người sáng tác.

Một tác phẩm của nhà văn

Mặc dù không bao giờ phủ nhận vai trò của thầy cô trong trường học, tôi vẫn tâm niệm sách là người thầy lớn nhất của đời mình. Các bậc phụ huynh thời nay than phiền rằng bọn trẻ bây giờ chỉ chúi đầu vào máy tính, điện thoại và hoàn toàn dửng dưng, vô cảm với Không gia đình, Con Bim trắng tai đen, Dế Mèn phiêu lưu kí hay Đất rừng phương Nam – những cuốn sách dạy con người biết yêu cái đẹp, sống cao thượng, nhân văn mà bao thế hệ đã từng say đắm. Một điều nguy hiểm ai cũng thấy, là phim hoạt hình cùng những trò game và truyện tranh giải trí không mang lại cho trẻ em một tri thức nào mà còn làm cằn cỗi trí tưởng tượng, nghèo nàn vốn ngôn ngữ của chúng và đáng sợ nhất là góp phần hình thành trong tương lai một thế hệ người không có tâm hồn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính làm giảm chất lượng học văn trong nhà trường, ở những thập niên đầu thế kỉ.

Một may mắn lớn cho tôi là suốt những năm dài thơ ấu, tôi không chỉ có sách đọc mà còn được sống cùng với thiên nhiên. Một dải hồ xanh, nhấp nhô đồi núi, mùa hè nắng gió, mùa đông mưa phùn… Tôi luôn biết ơn thiên nhiên thời nhỏ của mình. Nếu số phận không cho tôi được sống với đồi, với hồ, có thể tôi vẫn trở thành nhà văn nhưng sẽ là nhà văn kiểu khác. Mỗi dịp hiếm hoi về thăm quê hương – xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái – nhìn thấy cây, thấy núi tôi lại thấy u hoài tiếng gió lộng xa xưa.

Những phút buông lòng tĩnh lặng giữa thủ đô, tôi vẫn lắng nghe tiếng xạc xào từ quá khứ. Tôi tin, nhờ những ngày sống nơi đồi núi ấy mà mình có tâm hồn. Có tâm hồn thì mới học giỏi văn. Có tâm hồn thì dễ trở thành người tốt.

 Hà Nội, 7 – 2018

Phạm Duy Nghĩa

About admin2

Scroll To Top