Home / Bài Viết / Chúng mình làm bạn, con nhé? – Về những nỗi sợ hãi

Chúng mình làm bạn, con nhé? – Về những nỗi sợ hãi

Chúng mình làm bạn con nhé ?

Kể từ lúc ấy, nỗi sợ hãi choáng ngợp con. Làm sao mà con có thể sơn được tường lớp. Con nói với mẹ, mẹ sẽ mắng con. Mẹ cũng làm sao mà sơn được bức tường to thế. Con không biết phải làm thế nào. Nói thì không nói được. Mà cũng không biết giải quyết sự việc này bằng cách nào.

 Về những nỗi sợ hãi

Năm Cún học lớp 1, mẹ nhớ có một lần mẹ đón con đi học về, mẹ thấy mặt con buồn thỉu. Hỏi gì cũng không nói. Kiểm tra sách vở, mẹ không thấy có điểm xấu nào. Cũng không có thông báo nào của cô có tính nhắc nhở khiển trách con.Mẹ cũng chỉ nghĩ đơn giản là cảm xúc của con giống như thời tiết, có lúc nóng, lúc lạnh, lúc vui, lúc buồn. Mẹ trêu đùa cho con vui, rồi mẹ cũng bận những việc khác nên không bận tâm đến sự bất thường của con nữa.

Sáng hôm sau, mẹ gọi con dậy đi học, con bảo: hôm nay con muốn nghỉ học ở nhà.

Mẹ bảo: Nếu con cho mẹ một lý do chính đáng, mẹ sẽ đồng ý để con nghỉ ở nhà.

Giả sử con ốm mệt, mẹ sẵn sàng nghỉ làm ở nhà trông con.

Nhất định con phải đưa ra một lý do chính đáng.

Mẹ, cũng có lúc không muốn đi làm, mẹ muốn đi chơi hơn, nhưng cần phải giữ kỉ luật trong công việc. Vì như thế, ai cũng muốn đi chơi hết thì ai sẽ làm việc. Con còn nhỏ, việc của con là đến trường. Có sẽ có kiến thức. Đơn giản như môn toán sẽ giúp con khi đi chợ, con biết tính tiền để mua cái gì cho vừa vặn. Con biết đọc, sẽ giúp con ra đường biết được những cảnh báo nguy hiểm để tránh.Mặc kệ mẹ giải thích, con vẫn cương quyết: hôm nay con muốn ở nhà. Con không muốn đi học. Con không có lý do chính đáng nào cả.

Mẹ thật bối rối để tìm cách xử trí. Mẹ nghĩ, vì lúc ấy con mới vào học lớp 1 được ít lâu nên con chưa quen, hoặc chán. Vì đang từ mẫu giáo, chơi suốt ngày, vào lớp 1 là học suốt ngày, nói gì thì nói, con cũng cảm thấy mệt và chán hơn. Nhưng nếu chỉ vì chán học mà mẹ đồng ý cho con ở nhà, thì cuối cùng con sẽ không chịu đến lớp nữa. Vì vậy mẹ vẫn cương quyết đưa con đi học.Ngồi sau xe mẹ, con nín lặng, không nói gì. Mặt con u ám. Mẹ thì phân vân khôn xiết. Vì mẹ linh cảm, còn điều gì đó mà con chưa nói với mẹ. Nếu con không nói ra, thì mẹ không thể giúp con được.

Mẹ thuyết phục kiểu gì, con cũng chỉ lắc đầu và bảo “con không có chuyện gì đâu ạ”.Đưa con đến cổng trường, chị thì hối hả chào mẹ đi vào lớp, còn con thì òa khóc. Con bám chặt tay mẹ, nhất định không chịu bước vào trong sân trường.Mẹ dắt con vào ghế đá: “mẹ sẽ ngồi đây với con. Con có chuyện gì, con nói với mẹ. Mẹ sẽ giúp con. Con có tin mẹ không? Kể cả con có làm gì sai, chỉ cần con thành thực, mẹ sẽ không mắng con. Mẹ hứa.”Con khóc tức tưởi. Và rồi con cũng  kể ra nỗi sợ hãi của mình.Hôm qua, con đạp chân lên tường lớp. Lúc ấy con chả nghĩ gì cả. Chỉ là đạp chân lên tường thôi. Dấu dép của con hằn lên tường, rõ mồn một. Đúng lúc ấy, cô đi qua. Cô lập tức bắt phạt con úp mặt vào tường. Mặt cô rất dữ tợn, cô bảo, con sẽ phải sơn lại toàn bộ bức tường này.

Và con, kể từ lúc ấy, nỗi sợ hãi choáng ngợp con. Làm sao mà con có thể sơn được tường lớp. Con nói với mẹ, mẹ sẽ mắng con. Mẹ cũng làm sao mà sơn được bức tường to thế. Con không biết phải làm thế nào. Nói thì không nói được. Mà cũng không biết giải quyết sự việc này bằng cách nào.Con im lặng trong hoang mang, sợ hãi và bế tắc.  Con cố che giấu câu chuyện, nhưng sự buồn bã vẫn hiện rõ trên mặt. Nhưng con vẫn không thể nói ra được. Mẹ thì vô tình nghĩ là con chỉ buồn nhất thời vì một việc vu vơ nào đó, và con sẽ chóng vui lại mà thôi.

Mẹ thật đáng trách. Lẽ ra mẹ phải hiểu được con hơn. Nhưng thôi,cuối cùng thì mình cũng nói được câu chuyện này ra rồi.

Nhưng nói ra với mẹ thì ích gì đâu. – Con bảo – Hôm nay, con sợ đến lớp, sợ nhìn thấy cô. Cô sẽ nhớ ngay con là đứa đạp chân vào tường lớp. Và con sẽ phải sơn lại bức tường. Con làm thế nào bây giờ?Con bảo với mẹ, con muốn chuyển trường. Con không muốn học cô nữa. Không muốn bước vào lớp học ấy nữa. Con sợ lắm.Nước mắt con lã chã. Sự khủng hoảng tâm lý con cố kìm giữ từ tối qua đến giờ, nó làm con kiệt sức rồi.

Mẹ ôm con vào lòng. Mẹ thắt lòng lại vì xót con. Một đứa trẻ mới 6 tuổi như con, không đáng phải chịu sự giày vò này. Lẽ ra con phải nói ngay với mẹ. Mẹ là mẹ con, và cũng là bạn con cơ mà.

Con ạ, ai cũng từng có những việc làm sai trái. Quan trọng là mình biết sửa chữa nó. Sợ hãi, và cố che giấu không phải là cách giải quyết được vấn đề.  Việc con đạp chân lên tường lớp, đó là việc làm sai. Nếu cô yêu cầu, mẹ sẵn sàng thuê người sơn lại toàn bộ bức tường. Nhưng không phải vì thế mà con phải chuyển đi nơi khác. Đây là trường học của con. Con có quyền được học ở ngôi trường này. Cô mắng con, cũng chỉ vì mong con nhận ra lỗi lầm của mình để lần sau không mắc phải. Cô không ghét bỏ con. Bây giờ con đã nhận lỗi rồi, cô sẽ không mắng con nữa.

Việc này, mẹ sẽ nói chuyện với cô. Và con không còn điều gì phải sợ hãi nữa. Mẹ hứa sẽ giải quyết ổn thỏa mọi chuyện.Mẹ nhận thấy con dần bình tâm lại sau những gì mẹ nói. Nước mắt con không chảy ra nữa. Khuôn mặt con lấy lại vẻ linh lợi.Con đồng ý để mẹ dắt tay vào lớp. Vì con đã tin mẹ. Con không còn sợ hãi nữa, dù trong lòng không khỏi phân vân mơ hồ. Nhưng con thấy không, khi con đã vượt qua nỗi sợ hãi, con sẽ thấy thấy đầu óc mình thoải mái hơn hẳn. Mình còn nhiều việc để nghĩ và để làm, hơn là suốt ngày phải lo lắng về một việc gì đó.Cách để con không còn sợ hãi là đối mặt với nó và giải quyết. Giống như con đứng trước một đống rác. Nếu con đi vòng đường khác, hoặc quay lưng lại, đống rác vẫn còn nguyên đó. Con chỉ có cách hót đống rác, bỏ vào thùng rác. Như vậy con mới không còn phải bận tâm về nó nữa.

Mẹ biết, có nhiều thứ khiến con sợ hãi: sợ bóng tối, sợ bị điểm kém, sợ người lớn la mắng, sợ đi học muộn, sợ lạc đường…

Sợ hãi là một trạng thái cảm xúc tự nhiên của con người. Nó hết sức bình thường nếu con học được cách giải quyết nó, chứ đừng để nhấn chìm con. Có những khó khăn con không thể giải quyết được, thì hãy nhớ đến những người mà mình có thể tin tưởng để nhờ cậy: bố mẹ, chị, ông bà, chú bác…

Hãy nhớ, bất cứ điều gì mình cũng có thể giải quyết được, con nhé.

Nhà văn Phong Điệp

(Trích trong cuốn “Chúng mình làm bạn, con nhé? – Vì sao mẹ sinh ra con trên đời này?”  – NXB Phụ nữ)

About admin2

Scroll To Top